Showbizchaua.com

Bước chân an lạc – Từ bỏ vật chất, sống đời an nhiên

Dẫn chuyện bởi “Doctor Strange” Benedict Cumberbath, bộ phim tài liệu Bước chân an lạc (Walk With Me) là một hành trình điện ảnh vào thế giới của chánh niệm và của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bộ phim đã được thực hiện trong 3 năm và đó là một hành trình không định trước, một hành trình thiền định trong cộng đồng những con người dốc lòng từ bỏ của cải vật chất để an nhiên sống đời tu hành ở một miền nông thôn miền Nam nước Pháp.

Mùa đến mùa đi trong hạnh ngộ thiện duyên

Với một hành trình tiếp cận không định trước của việc làm phim không bằng kịch bản mặc định như thông thường, Bước chân an lạc như một tuyệt phẩm ngẫu hứng tùy duyên đã dẫn dắt người xem có dịp hạnh ngộ với thế giới tu hành của vị chân sư nổi tiếng Thích Nhất Hạnh, đồng thời khắc họa khá rõ nét cuộc đời của một cộng đồng thiền sinh đã quyết tâm từ bỏ của cải vật chất đời thường, cùng hướng tâm về một đời sống tâm linh, cùng thực hành pháp chánh niệm của Phật giáo.

Bộ phim đã được những người làm phim dốc tâm thực hiện trong hơn 3 năm, là một hành trình thiền định để mọi người cùng nhau trải qua các cảm nhận sâu sắc về sự hiện hữu, không phải cho bản thân mình mà cho những người mình yêu thương.

Trong mỗi mùa đến và đi, hành trình nội tâm của thiền sư Thích Nhất Hạnh dường như luôn được khuyếch tán từ bên trong, tỏa sáng và cộng cảm với các tăng ni Làng Mai, soi chiếu vào tâm thức đồng hành đồng tu của những người làm phim, từ đó góp phần soi rọi vào tâm thức của người xem Bước chân an lạc một cách tự nhiên, như một thiện duyên.

Chánh niệm Phật giáo trong đời sống thường nhật ở phương Tây

Những năm vừa qua, chánh niệm đang trở thành xu hướng phổ quát về nhân sinh quan ở các nước phương Tây. Từ các chuyên gia tư vấn doanh nghiệp, các chuyên gia lối sống… đều tìm cách phổ cập đường hướng chánh niệm từ chiêm nghiệm cá nhân đã ít nhiều thành tựu của mình cho nhà trường, doanh nghiệp, bệnh viện… Số lượng sách xuất bản về chánh niệm cũng xuất hiện dày đặc khắp nơi nơi, giúp giảm bớt stress – căn bệnh kinh niên trong thời đại toàn cầu hóa này.

Cũng giống như organic đã và đang trở thành xu hướng mới cho thực phẩm, chánh niệm trở thành xu hướng mới với tâm trí. Người nổi tiếng nhất giới thiệu chánh niệm đến thế giới phương Tây chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Một cuộc đời thiện nguyện

Năm 1956, thiền sư Thích Nhất Hạnh là Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam, tờ báo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Vào thập niên 1960, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập Trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (School of Youth for Social Services – SYSS) ở Sài Gòn, một tổ chức từ thiện xây dựng lại các làng bị bỏ bom, xây dựng trường học và các trạm xá, giúp các gia đình vô gia cư trong chiến tranh Việt Nam. Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng là một trong những người sáng lập Viện Đại học Vạn Hạnh và Nhà xuất bản Lá Bối – chuyên in ấn các trước tác về giáo lý Phật giáo. Viện Đại học Vạn Hạnh nhanh chóng trở thành một viện đại học tư thục danh tiếng vào thời kỳ ấy, chuyên tập trung các nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được người bạn nổi tiếng của mình là Martin Luther King, Jr. đề cử vào giải Nobel Hòa Bình năm 1967.  Martin Luther King, Jr. (1929- 1968) là Mục sư, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi,  đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1964; ông là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần có ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước Mỹ, cũng như là với lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động trên thế giới. Martin Luther King, Jr. cũng từng được chính thiền sư Thích Nhất Hạnh kêu gọi lên tiếng công khai về “phản chiến” trong chiến tranh Việt Nam. Martin Luther King, Jr. luôn nhắc đến thiền sư Thích Nhất Hạnh như là “Thánh Apostle của hòa bình và bất bạo lực”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn được khắp phương Tây biết đến là người rất nhiệt tâm với các hoạt động nhân quyền ở tầm quốc tế, đồng thời là nhà thơ và cũng là tác giả vô cùng thành công. Tính đến nay thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết hơn 100 đầu sách nhiều thể loại, trong số đó có hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn là sách thuộc hàng bán chạy trên khắp thế giới. Điều thú vị là thiền sư Thích Nhất Hạnh hiện có nhiều triệu người theo dõi trên Facebook, có thể xem như là một minh chứng tiêu biểu của “đại diện” Chánh niệm hiện diện rất thực tế trong đời sống của con người đương đại, thông qua công nghệ mạng xã hội.

Với những hoạt động ấn tượng cùng sức đóng góp to lớn trong cộng đồng xuyên suốt mấy mươi năm qua, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được ghi nhận là người lãnh đạo tinh thần, nhà thơ, nhà hoạt động hòa bình và người tiên phong mang giáo lý Phật giáo đến chia sẻ và phổ biến rộng khắp với các nước phương Tây. Truyền thông phương Tây gọi thiền sư Thích Nhất Hạnh là “Cha đẻ của Chánh niệm”, là “Một Dalai Lama khác”; là “Một thiền sư có sức hút lấp đầy sân vận động”…

Năm 1982, thiền sư Thích Nhất Hạnh lập nên Tu viện Làng Mai – một thiền viện ở vùng Dordogne thuộc miền Nam nước Pháp, cho hơn 600 tăng ni cùng sinh sống và tu thiền. Đây cũng là nơi để mọi người từ khắp nơi trên thế giới đến thực hành chánh niệm. Ngoài ra, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập thêm những thiền viện khác, cùng với rất nhiều Trung tâm thực hành Chánh niệm ở Mỹ và khắp châu Âu.

Những năm gần đây, thiền sư  Thích Nhất Hạnh đã liên tục đứng ra tổ chức nhiều sự kiện cho Nghị viện Mỹ và Phụ nữ và Nghị sĩ ở Anh, Ireland, Ấn Độ, Thái Lan… Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng từng đọc diễn văn UNESCO ở Paris, kêu gọi những bước đặc biệt để đảo chiều bạo lực, chiến tranh và vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu…; đọc diễn văn tại sự kiện Nghị Viện của Tôn giáo Thế giới ở Melbourne. Trong một lần thăm Mỹ vào năm 2013, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tùy duyên, tổ chức những sự kiện nổi tiếng về Chánh niệm ở Google, Ngân hàng Thế giới và Đại học Y khoa Harvard.

Tại Việt Nam, vào đầu năm 2007, với sự đồng ý của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,  thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tổ chức 3 Trai đàn Chẩn tế lớn tại 3 miền Việt Nam, gọi là “Đại trai đàn Chẩn tế Giải oan” – cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh Việt Nam, dù đã qua đời hay còn tại thế, không phân biệt tôn giáo, chính trị, chủng tộc.

Tháng 11 năm 2014, một tháng sau kỳ sinh nhật thứ 89, và sau nhiều tháng sức khỏe xuống dốc đột ngột, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bị đột quỵ. Dù vẫn không thể nói và hầu như bị liệt bên phải, thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn không nghỉ hưu ở thiền viện Làng Mai tại Pháp.

Chia sẻ từ những người làm phim tài liệu Bước chân an lạc

Đạo diễn Max Pugh:

Cách đây mười năm, em trai tôi đã từ bỏ nhà cửa, tiền bạc, xe hơi để đến sống đời thiền sinh ở thiền viện của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Quyết định này không bất ngờ với tôi vì trước đó em tôi đã nghiên cứu về Phật Giáo vài năm, trước khi cậu ấy tốt nghiệp đại học.

Chúng tôi đã nói nhiều về lựa chọn nghề nghiệp của cậu ấy, nhưng cho đến khi một thầy tu lớn tuổi trong cộng đồng của cậu tiếp cận tôi, về việc ghi hình khóa giảng dạy của thiền sư Nhất Hạnh ở Mỹ và Canada hồi năm 2011, khi ấy tôi mới bắt đầu chính thức có cơ hội trải nghiệm đời sống của một thiền sư. Vào thời điểm ấy, tôi bắt tay với người bạn cũ của mình là đạo diễn Marc J. Francis cùng thực hiện bộ phim tài liệu Bước chân an lạc này.

Trải nghiệm được đồng hành trong đời sống với các thiền sư của Làng Mai đã thay đổi cuộc đời tôi theo nhiều cách. Thực hành lắng nghe chuyên sâu, chia sẻ chuyên sâu và sống kề cận các thiền sư Làng Mai đã khuyến khích tôi đào sâu và làm việc chăm chỉ hơn, để tìm ra cách thể hiện con đường tu tập của họ trên phim một cách tốt nhất và chân thực nhất có thể.

Chúng tôi đầu tư nhiều thời gian trong quá trình làm phim để được trải nghiệm đầy đủ, đồng thời xem đấy là cơ hội phát triển một ngôn ngữ điện ảnh khi kể chuyện về Chánh niệm.

Như đã nói, chúng tôi luôn tập trung vào cách tiếp cận “trải nghiệm” để từ đó tạo ra một trải nghiệm nội tâm và đa chiều, đẩy khán giả vào sâu trong thế giới nội tâm tĩnh lặng của hiện tại – một cảm giác khó có trong đời thực bộn bề lo toan của con người đương đại.

Vào giai đoạn thiền sư Thích Nhất Hạnh lâm cơn đột quỵ, thay đổi đời sống trước khi phim kịp hoàn thành, chúng tôi biết rằng sẽ không bao giờ có cơ hội làm phim với thiền sư Thích Nhất Hạnh và cộng đồng tăng ni Làng Mai theo cách này nữa. Dẫu vậy chúng tôi thấy mình có trách nhiệm phải thể hiện chân dung thiền sư Thích Nhất Hạnh một cách chân thực trong đời sống thường nhật, song hành cùng cảm nhận về thế giới tinh thần, đặc biệt là với những gì chúng tôi đã tự thân trải nghiệm ở thiền viện Làng Mai.

Đồng đạo diễn Marc J. Francis:

Trước khi bắt đầu phim này, tôi biết rất ít về thiền sư Thích Nhất Hạnh, dù rằng tôi đã luôn tò mò về Thiền Phật giáo. Tôi cũng vừa được làm cha và tôi bắt đầu khát khao nhận thức về mọi sự hiện hữu xung quanh cuộc sống của mình, không phải cho chính tôi mà cho những người tôi yêu thương, đặc biệt là con tôi.

Ngay khi gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tiên, tôi đã thực sự ấn tượng bởi cảm giác hiện hữu ấy và nhất là với cái cách mà thiền sư thực hành Chánh niệm. Cuộc gặp gỡ đó truyền cảm hứng cho tôi tìm ra cách làm bộ phim Bước chân an lạc để ghi lại trải nghiệm hiện hữu này, bằng ngôn ngữ điện ảnh trong một bộ phim tài liệu.

Thông thường, chúng tôi sẽ sử dụng một vài nhân vật với việc dẫn chuyện rõ ràng, như phỏng vấn trực tiếp nhân vật chính, nhưng chúng tôi không tiếp cận được theo cách thức này khi làm phim Bước chân an lạc, vì thiền sư Thích Nhất Hạnh không muốn tách biệt trong cộng đồng tu với tăng ni Làng Mai hoặc được thần tượng hóa. Vì vậy, chúng tôi phải tìm cách tiếp cận thế nào nào đó để làm cho toàn thể cộng đồng tu nơi này đều là nhân vật chính của phim.

Tôi trải qua nhiều tuần trong các thiền viện ở Pháp và Mỹ mà không hề có máy quay, để thực hành Chánh niệm và học cách sống cùng cách nhìn nhận của họ. Cuối cùng chúng tôi cũng được chính thức giới thiệu máy quay của mình với một sự tin tưởng và cởi mở, cho phép chúng tôi ghi lại ở cấp độ riêng tư mà chúng tôi tìm kiếm.

Quá trình làm phim tự thân nó cũng là hành trình thực hành Chánh niệm. Chúng tôi không thể nào biết được điều gì xảy ra ngày hôm đó. Có ngày chúng tôi chẳng quay được gì cả và có những ngày chúng tôi phải xoay xở để ghi lại đại cảnh…

Quan trọng nhất là chúng tôi muốn tìm ra một ngôn ngữ điện ảnh có thể chuyển hóa khán giả theo trải nghiệm ở thiền viện, nên nó giống như một quá trình thiền định vậy.

Chúng tôi sử dụng phong cách quay cận các thiền sư đồng thời cũng kết hợp với góc rộng để ghi lại cảnh thiên nhiên mà các thiền sư sinh sống.

Ở phần hậu kỳ, chúng tôi khuyếch đại âm thanh thiên nhiên để kéo khán giả vào trung tâm khung cảnh nhiều nhất có thể và sử dụng âm nhạc rất hạn chế – chỉ khi chúng tôi cảm thấy cần thiết có âm nhạc lồng ghép vào chất liệu của cảnh quay tự nhiên đó.

Cuối cùng, để mang đến chút “neo” trong tâm trí khán giả  hoặc hướng dẫn sơ khởi về cách tiếp cận bộ phim, chúng tôi đã chọn những trích đoạn trong cuốn sách Nẻo về của ý (Fragrant Palm Leaves) của thiền sư Thích Nhất Hạnh và để cho diễn viên “Doctor Strange” Benedict Cumberbatch  đọc lời dẫn. Đoạn  này ghi lại những khoảnh khắc minh triết nhất trong những năm đầu hành đạo ở ngoài Việt Nam của thiền sư Thích Nhất Hạnh, mô tả chi tiết về cảm giác kỳ diệu thông qua việc được sống chân thật với bản thân mình và cam kết với con đường mình đã chọn.

Phim Bước chân an lạc” (Walk With Me) khởi chiếu tại Việt Nam từ 2/3/2018.

ÂN NGHI

Exit mobile version