Showbizchaua.com

Cười thật đã cùng hành trình “Giải Cứu Công Chúa” từ truyện cổ Ruslan và Ludmila lừng danh

Bên cạnh các cô nàng trong truyện cổ tích mà ai cũng biết như Bạch Tuyết, Lọ Lem, Công chúa ngủ trong rừng hay gần đây là cơn sốt Nữ hoàng Băng Giá, thì tại châu Âu cực kỳ yêu thích truyện cổ về bộ đôi công chúa Ludmila và tráng sĩ Ruslan của đại thi hào A.S.Pushkin. Mùa hè năm nay chắc chắn sẽ được khởi động không thể sôi động hơn với phim hoạt hình siêu hài hước dựa trên câu truyện kinh điển nói trên mang tên Giải cứu công chúa (tựa gốc: Stolen Princess).

Tóm tắt phim:

Dựa trên truyện cổ Ruslan and Ludmila, Giải cứu công chúa là câu chuyện vui nhộn kể về chàng nghệ sĩ lang thang mơ làm dũng sĩ Ruslan. Một ngày nọ anh chàng vô tình gặp gỡ, rồi say nắng và dĩ nhiên đem lòng thầm yêu trộm nhớ nàng công chúa bướng bỉnh lưu lạc Mila. Chưa kịp kể rõ thân phận với người yêu, Mila lại bị lão pháp sư độc ác Chernomor bắt cóc với âm mưu sử dụng tình yêu của họ để phục vụ cho sức mạnh pháp thuật của mình. Đứng trước tình cảnh đó, Ruslan phải xông pha để cứu lấy Mila cũng như bảo vệ tình yêu của mình. Liệu họ có thành công?

Dựa trên truyện cổ kinh điển nổi danh nhất châu Âu

Đối với người dân châu Âu, cho đến ngày nay, Ruslan và Ludmila vẫn là một truyện thơ nổi tiếng nhất và được yêu thích nhất của đại thi hào Aleksandr Pushkin. Truyện thơ này nổi tiếng đến mức được nhiều lần chuyển thành nhiều vở diễn opera và được công chúng mến mộ từ những năm 1837 và 1842. Năm 1915 bản phim đầu tiên ra mắt đã để lại nhiều tình cảm tốt cho khán giả Nga trong thời chiến. Liên tục sau đó vào năm 1938, 1972 và 1996, các phiên bản phim khác cùng tên được ra mắt, nhiều lần gây sốt về tính nghệ thuật lẫn công nghệ làm phim thần thoại của Liên Xô cũ vượt bật hơn cả Hollywood. Phiên bản năm 2018 mang tên Giải cứu công chúa (tựa gốc: Stolen Princess) sau khi công chiếu tại một số liên hoan phim lớn trên thế giới đã nhận được sự tán thưởng của giới phê bình điện ảnh bởi sự phá cách trong cách thực hiện, đồng thời là một số cách tân bất ngờ đầy lý thú so với các tác phẩm trước đó. Hiện tại, phim đang nhận được số điểm 8/10 trên chuyên trang điện ảnh hàng đầu IMDB.com, con số có thể nói là ngang hàng với các tuyệt phẩm Oscar hay bom tấn lừng danh Hollywood.

6 năm để chuẩn bị về phần hình ảnh và xây dựng nhân vật

Trước khi được bấm máy vào năm 2016, đạo diễn Oleh Malamuzh cùng với ekip của mình đã trải qua hơn 10 năm để chăm chút cho phần hình ảnh và các nhân vật của phim. Với kinh nghiệm học được khi còn làm việc tại các studio lớn ở Hollywood, Nhật Bản và Trung Quốc, đạo diễn Oleh Malamuzh đã nắm được các yếu tố để thực hiện một tác phẩm hoạt hình hoàn chỉnh về hình ảnh lẫn cảm xúc. Phần trang phục cùng các phụ kiện đi kèm như giáp chiến, gậy phép, trang sức, vũ khí… đều được thiết kế riêng phù hợp với tính cách cùng vóc dáng và khả năng của từng nhân vật dù đó là người hay động vật hoặc quái vật. Không chỉ vậy, đoàn phim còn tổ chức nhiều tour tham quan các địa điểm tuyệt đẹp tại châu Âu, cũng như các đền đài, tượng thần, rừng cây… để tìm cảm hứng tạo ra thế giới bên trong Giải cứu công chúa.

Thông qua trailer chính thức của phim, có thể thấy được tinh túy của tác phẩm gốc vẫn hiện hữu, nhưng lại được biến tấu hài hước và dẫn dắt theo hướng ôn hòa, đáng yêu cũng như phù hợp với lứa tuổi khán giả nhí hơn. Hình ảnh của các nhân vật không chỉ được trau chuốt theo công nghệ 3D mới nhất, mà chỉ cần lướt sơ qua có thể thấy được nét mượt mà uyển chuyển đậm chất châu Âu, chân thật và nịnh mắt hơn cả hình ảnh tuyệt đẹp nhưng có phần thô cứng và thiếu hồn của hoạt hình Hollywood.

Giải cứu công chúa hứa hẹn sẽ là tác phẩm cực kỳ thích hợp cho các gia đình vào đầu Hè này cũng như dịp lễ 30/4 – 1/5 sắp tới, phim do Saigon Movies Media phát hành tại Việt Nam, khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 13/4/2018 và dành cho khán giả mọi lứa tuổi.

ÂN NGHI

Exit mobile version