Showbizchaua.com

Tản mạn cùng phim trường TVB

Phim trường TVB là công trường cung cấp cho khán giả toàn cầu hơn 600 tập phim truyền hình và một lượng lớn chương trình văn nghệ tổng hợp mỗi năm. Vậy kết cấu bên trong phim trường như thế nào? Chúng ta hãy cùng khám phá phim trường TVB mới nhất năm 2016.

Để phục vụ cho công việc ghi hình nên phim trường TVB thay đổi diện mạo từng ngày chứ không phải theo năm tháng và đây cũng là năm thứ ba đoàn SCTV cùng các khán giả may mắn của chương trình “Xem phim say mê, nhận quà TVB” ghé thăm phim trường TVB.

Phố cổ trang

Gồm hai con đường được thiết kế để chuyên quay cảnh trên đường phố cổ, đặc trưng nhất là cổng thành được xây dựng mô phỏng kinh thành thời xưa, khi đặt chân đến phố cổ trang khiến quan khách có cảm giác như đi trên con đường ngược thời gian, trở về quá khứ.

Ngưu Gia Thôn là địa điểm thường được dùng để quay cảnh chạy nạn, phóng hỏa, lẩn trốn sự truy sát của các quan binh triều đình trong các bộ phim cổ trang. Ngưu Gia Thôn được bao bọc bởi những bụi cỏ, những tán cây được trồng lâu năm, con đường mòn phủ rêu xanh với những mái nhà tranh cổ kính, lạc vào Ngưu Gia Thôn thì chẳng khác nào cách ly với thế giới bên ngoài.

Cách Ngưu Gia Thôn một bức tường là bối cảnh chính của bộ phim Ẩm thực tranh tài, con phố cổ này khá khang trang dù diện tích khá khiêm tốn, gồm có những tửu quán, trà quán nằm san sát nhau.

Điểm nhấn của bối cảnh phim Ẩm thực tranh tài là cây cây nhỏ bằng đá được xây dựng kiên cố, xung quanh là các quán xá. Đối diện chiếc cầu có một tửu quán 2 tầng được xây kiên cố để thực khách vừa thưởng thức rượu vừa ngắm cảnh. Có thể nói, cảnh quang ở đây rất hữu tình và thi vị.

Các khán giả may mắn của đoàn SCTV tranh thủ tạo dáng tại bối cảnh chính của bộ phim Ẩm thực tranh tài

Rời khỏi bối cảnh chính của bộ phim Ẩm thực tranh tài là đến con phố đời nhà Minh, so với các dãy phố khác thì khu vực này có diện tích khá rộng. Ở đây có một tòa kiến trúc kiên cố và ấn tượng với tấm biển “Đông Xưởng” – nơi các hoạn quan đời nhà Minh nắm quyền hành.

Ngoài bối cảnh Đông Xưởng còn có một cung điện bề thế, đó là Từ Khánh Cung – nơi ở của vua Quang Tông khi còn là Hoàng thái tử. Đây từng là bối cảnh của các bộ phim ăn khách như Cung tâm kế, Công chúa giá đáo

Phố dân quốc

Rời khỏi khu vực phố cổ trang đến phố dân quốc phồn hoa đô hội. Bối cảnh thời dân quốc gồm: Bách Lạc Môn, quán rượu Đại Phú Quý, cửa hiệu tơ lụa… và nhà thờ càng là biểu tượng không thể thiếu. Rất nhiều bộ phim lấy bối cảnh dân quốc của TVB như Xứng danh tài nữ, Nghĩa hải hào tình, Anh hùng thành trại… đều được quay ngoại cảnh tại đây. Các chuyên viên dựng cảnh và nhân viên đạo cụ sẽ dựa theo yêu cầu của kịch bản tiến hành “cải trang” cho hai con phố này.

Nếu những khán giả đã từng yêu thích bộ phim Anh hùng thành trại, chắc hẳn không xa lạ gì với cây cổ thụ và chiếc xe đạo cụ bán mì hoành thánh mà các nhân vật chính thường ghé thăm.

Đoạn đường dốc này cũng là một trong những bối cảnh quen thuộc của bộ phim Anh hùng thành trại. Khi các khán giả may mắn của đoàn SCTV đến đây đã không quen chụp ảnh lưu niệm trên con phố này.

Đạo cụ ở phim trường

Thật thiếu xót nếu chỉ khám phá phim trường TVB mà không quan tâm đến những món đạo cụ cũ kỹ, vốn không bắt mắt bởi lớp bụi thời gian, nhưng chính sự cũ kỹ của những món đạo cụ này lại tạo nên khung hình chân thật nhất.

Hai khán giả may mắn cao tuổi nhất của đoàn SCTV thích thú tạo dáng trên chiếc xe kéo đạo cụ

Theo nhân viên phim trường giới thiệu, những pho tượng cổ thường được làm bằng thạch cao cho trọng lượng nhẹ, dễ dàng di chuyển, còn những tảng đá lớn thường được làm bằng chất liệu mút xốp, sau đó phun màu hoặc vẽ chữ lên.

Phòng đạo cụ: Được dùng để chế tác và chứa đạo cụ, bối cảnh mà các chương trình cần sử dụng. Trước đây khi phim trường còn ở vịnh Thanh Thủy, lắm lúc đạo cụ nhiều đến nỗi phải đặt trên lối đi nhưng vấn đề này không thể giải quyết được. Hiện nay phòng đạo cụ của phim trường ở Tướng Quân Áo có diện tích lớn gấp mấy lần trước đây, đồng thời cũng được quy hoạch hoàn thiện hơn.

Phòng đạo cụ

– Studio số 1: Studio số 1 có diện tích lớn nhất trong số 5 studio, chiếm diện tích 1.300m vuông, cao 13,5m, độ cao này cao hơn studio thông thường chỉ cao 9m, có sức chứa khoảng 700 khán giả. Studio số 1 chủ yếu dùng để ghi hình cho các chương trình quy mô lớn như Lễ khánh đài (sinh nhật TVB), Lễ trao giải thưởng TVB, Siêu cấp vô địch chưởng môn nhân…

Studio số 1

Hong Kong là nơi tấc đất tấc vàng, đối với những ai lần đầu tiên đặt chân đến phim trường TVB sẽ không khỏi ngỡ ngàng về diện tích khiêm tốn. Tuy khu vực phố cổ trang và dân quốc có mật độ lên hình khá cao, nhưng thiết nghĩ những khán giả đã từng trưởng thành cùng những thước phim truyền hình TVB đều không hề có cảm giác nhàm chán, bởi sự đổi mới không ngừng trong 50 năm qua.

Một số hình ảnh khác của phim trường TVB:

Tên cổng thành được để trống với mục đích dễ dàng thay thế tên.

 

 

 

 

 

ÂN ÂN
(Theo ĐMCT)

Exit mobile version