5 diễn viên phụ nổi bật trong phim Anh hùng thành trại
Trong phim Anh hùng thành trại (đang phát sóng trên kênh SCTV9, lúc 11g00), ngoài các nhân vật chính thì các tuyến vai phụ như tên trùm bang hội độc ác tàn nhẫn Phùng Xuân Mỹ (Ngô Gia Lạc đóng), cô gái hiếu thảo đáng thương Hâm Hâm (Lâm Dĩnh Đồng đóng), tên lưu manh ác bá Hạ Mãn (Lý Gia đóng), gã ham mê bài bạc Lý Phát (Ngụy Huệ Văn đóng) và chàng khờ nghĩa khí Vương Tiểu Trí (Lý Nhật Thăng đóng) đều nổi bật không kém và gây được sự chú ý cho khán giả.
Ngô Gia Lạc: Trùm bang hội độc ác, tàn nhẫn Phùng Xuân Mỹ
Trong phim, Ngô Gia Lạc đóng vai trùm bang hội Phùng Xuân Mỹ độc ác tàn nhẫn, ngoại hình yêu mị với đôi mắt được kẻ viền mí đen sắc sảo, trang điểm lòe loẹt. Ngô Gia Lạc cho biết, anh rất vui khi vai phản diện của mình được khán giả đón nhận, nhưng cá nhân anh cho rằng biểu hiện của mình chỉ vừa “đạt chuẩn”, còn tiết lộ 90% cảnh đánh đấm trong phim là do anh tự thực hiện, trong đó có một cảnh đánh Hồ Định Hân bay lên không trung. Hỏi anh trong quá trình quay có bị thương không, anh cho biết: “Nhất định có, khi thì bị bong gân lúc thì bị thương tích do va đập”.
Có thể nói Ngô Gia Lạc là diễn viên phụ bi thảm nhất ở TVB, đóng vai phụ suốt 20 năm. Trước đó trong phim Thiết mã gặp chiến xa, anh còn bị đẩy xuống tuyến vai phụ thứ 5 – 6, đến phim Anh hùng thành trại, tuyến vai Phùng Xuân Mỹ của anh cũng là vai phụ, nhưng nhờ tài diễn xuất điêu luyện, anh đã làm nổi bật nhân vật phụ của mình, trở thành một trong những điểm xem của bộ phim.
Lâm Dĩnh Đồng: Sự đáng thương của nhân vật Hâm Hâm
Khi nhận được vai Hâm Hâm, Lâm Dĩnh Đồng biết đây là vai diễn có không gian phát huy, cô lo lắng bản thân sẽ diễn không đạt: “Lúc nhận kịch bản, tôi có hỏi giám chế muốn tôi diễn như thế nào, ông ấy nói câu chuyện đã đẩy bật nhân vật Hâm Hâm, nên không cần cố ý diễn, tự nhiên là tốt nhất, khiến tôi yên tâm. Tôi cũng phải cám ơn Hồ Định Hân, dù là trong phim hay ngoài đời chị ấy đều chiếu cố tôi, như cảnh tôi bị cưỡng bức, chị ấy bảo tôi mặc thêm chiếc quần, cố gắng giúp tôi không quá vất vả. Hồ Định Hân rất chăm sóc tôi, khiến tôi càng hòa nhập vào những cảnh phim thân thiết như tình cảm chị em giữa Hâm Hâm và Điêu Lan”.
Lâm Dĩnh Đồng trưởng thành trong gia đình đơn chiếc, mẹ cô một mình nuôi dạy con gái khôn lớn, cô thẳng thắn nói, có một số câu thoại Hâm Hâm nói với người cha ham mê cờ bạc cũng là lời nói từ tận đáy lòng của cô. Anh hùng thành trại đã mang đến cho Lâm Dĩnh Đồng những tràng pháo tay khen ngợi, cô cho rằng là nhờ có Ngụy Huệ Văn và Lý Gia lột tả đủ độ xấu xa, mới làm nổi bật sự đáng thương của Hâm Hâm.
Ngụy Huệ Văn: Phát cờ bạc đánh mãi không chết
Vai diễn ra hình ra dáng, trước tiên phải bắt đầu từ phần tạo hình, đằng sau ngoại hình lôi thôi lếch thếch của Phát cờ bạc đã tốn không ít công sức của các chuyên viên tạo hình: “Tôi phải dùng nước thuốc làm hàm răng ố vàng, sau đó mất thêm 1 tiếng đồng hồ hóa trang”.
Vai phản diện chính là bộc lộ hết mặt tối tăm của con người, sở dĩ Phát cờ bạc khiến khán giả xem đến nghiến răng nghiến lợi, chủ yếu là vì nhân vật này không có giới hạn, đến cả con gái cũng bán: “Thành trại là thế giới “người ăn người”, Phát cờ bạc làm bất kỳ việc gì cũng là vì bản thân. Vì tiền, chuyện gì anh ta cũng dám làm”.
Ngụy Huệ Văn cho biết trước khi nhân vật Hâm Hâm chết, khán giả gặp anh đều khen anh diễn tốt, sau khi Hâm Hâm chết, có người chuyển sang hỏi khi nào Phát cờ bạc chết: “Phát cờ bạc tái xuất hiện với thân hình què quặt, còn thiếu nợ cờ bạc, giúp Phùng Xuân Mỹ (Ngô Gia Lạc đóng) làm đủ thứ việc tán tận lương tâm. Thật ra, tôi chỉ có hơn 20 cảnh phim, 80% thời lượng bị người ta đánh, lại đánh mãi không chết, khả năng sinh tồn mạnh hơn cả “Tiểu cường” (con gián)”.
Lý Gia: Hạ Mãn ca “độc nhất vô nhị”
Lý Gia học võ tại một võ quán lâu đời nổi tiếng ở Cửu Long thành, nguồn gốc có mối liên hệ nhất định với thành trại, sư ông của anh là bạn tiểu học với diễn viên quá cố Thạch Kiên, anh đã được nghe sư ông kể về nhiều vai diễn phản diện của Thạch Kiên. Lần này, Lý Gia đã dùng kiểu cười gian ác vốn là “thương hiệu” của anh tạo nên nhân vật Hạ Mãn ca “độc nhất vô nhị”.
Trong mắt Lý Gia, Hạ Mãn ca tuy tàn bạo ác ôn, nhưng suy nghĩ đơn giản, tình cảm của anh đối với Hâm Hâm cũng là thật lòng: “Thành trại có bao nhiêu cô gái xinh đẹp như Điêu Lan, bốn đóa hoa vàng, nhưng Hạ Mãn ca chỉ chung tình với một mình Hâm Hâm. Phát cờ bạc bán Hâm Hâm cho Hạ Mãn ca, anh ấy cũng phải chọn thời gian “động phòng” với cô, anh ấy không biết cách theo đuổi con gái, người bình thường không hiểu được cách thể hiện tình yêu của anh ấy”.
Lý Gia bắt đầu học võ từ năm 6 tuổi, anh nói diễn xuất cũng giống như võ thuật, chỉ cần tìm ra “huyệt đạo” thì sẽ có cơ hội phát huy, vì thế anh không từ chối đóng vai phản diện.
Lý Nhật Thăng: Từng lo lắng về vai Tiểu Trí khờ khạo
Lý Nhật Thăng từng lo lắng về thể loại vai khờ khạo như Tiểu Trí, một là rất được lòng khán giả, hai là khiến khán giả nhàm chán, nên phải nắm bắt đúng chừng mực: “Tôi từng đóng qua vai người tự kỷ, người kém trí, nhưng Tiểu Trí có chút khác biệt, bởi anh ấy vì bị người ta đánh mà trở nên đần độn, chỉ có một điểm giống nhau duy nhất là ánh mắt không tập trung, tôi sợ quá nhiều động tác cơ thể, khán giả xem đến chán, nên chủ yếu diễn xuất bằng ánh mắt”.
Khán giả rất đau lòng khi xem cảnh Tiểu Trí bị đánh, Lý Nhật Thăng khi diễn cảnh này cũng rất cực khổ, đương nhiên bị người ta đánh khổ hơn đánh người ta: “Quay suốt một ngày, vì Tiểu Trí không biết võ, bị người ta đánh chỉ có thể gồng mình chịu đòn. Có thể do gồng quá sức, thời tiết lại nóng nực, quay xong tôi lập tức bị ói, nôn ra dung dịch màu đỏ, là máu đạo cụ thôi”.
Lý Nhật Thăng là diễn viên chuyên trị “vai lá xanh” trên màn ảnh TVB, anh xuất thân là diễn viên nhí, năm 6 tuổi được đạo diễn Đỗ Kỳ Phong phát hiện và “chuyên dụng” trong nhiều bộ phim điện ảnh của ông. Mẹ của Lý Nhật Thăng là nghệ sĩ kịch nói Ngạo Tuyết Doanh, anh thừa hưởng gen nghệ thuật từ mẹ, ngay từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu diễn xuất và hội họa.
NGHI TRÂN
(tổng hợp)
Kết nối với chúng tôi