Xung quanh bộ phim Học cảnh truy kích
Học cảnh truy kích (phát sóng trên SCTV9, lúc 12h từ ngày 14/9/2017) là phần III của series phim Cảnh sát, câu chuyện xoay quanh mối ân oán giữa hai cảnh sát mới ra trường là Chung Lập Văn, Lý Bách Kiều và ông trùm ma túy Giang Thế Hiếu – người có khuôn mặt giống người thầy quá cố Lý Văn Thăng của họ…
Thành công từ chi tiết nhỏ
- Đầu phim và cuối phim đều lôi cuốn
Cảnh mở đầu chính là ấn tượng đầu tiên dành cho khán giả. Muốn đánh giá chất lượng phim truyện TVB, người xem chỉ cần dựa vào quy mô chế tác ở phần mở đầu đã có thể đoán được ít nhiều. Phần mở đầu của Học cảnh truy kích được làm giống như một đoạn phim tuyên truyền, khiến người xem có cảm giác như đang thưởng thức một bộ phim điện ảnh ngắn, vài từ tiếng Anh xuất hiện xen kẽ với những đoạn phim đặc sắc, không chỉ làm toát lên chủ đề của bộ phim, mà còn gây kích thích cho thị giác. Các cảnh phim cũng được sắp đặt theo trình tự rõ ràng, từ đội cảnh sát tinh anh đến băng nhóm xã đoàn bí ẩn; từ những pha đua xe ngoạn mục đến sự ấm áp của tình yêu, tình thân… tuy được hợp thành từ hình ảnh tĩnh, nhưng hình ảnh thay đổi liên tục nên không tạo cho người xem cảm giác lề mề, vừa phù hợp với kết cấu chặt chẽ của kịch bản, màu sắc cũng thường xuyên biến đổi từ màu sang trắng đen, đúng theo chủ đề mà bộ phim muốn biểu đạt.
- Tiết tấu hợp lý
Thật ra môtíp của Học cảnh truy kích không có gì mới mẻ, nhưng bộ phim vẫn thu hút đông đảo khán giả theo dõi, nguyên nhân là vì tiết tấu phim được thiết kế hợp lý. Trong cảnh mở đầu, giám chế không sử dụng những cảnh phim hoành tráng để “câu” khách, trái lại đi từ một tòa nhà bình dân, bên trong có hai căn phòng, mục đích là muốn tăng thêm tính bình dân cho bộ phim vốn mang mô hình chủ nghĩa anh hùng. Tuy nằm trong series Học cảnh, nhưng bộ phim này ít nhắc đến các tình tiết của hai phần trước mà đi thẳng vào câu chuyện mới. Bên cạnh đó, nhà biên kịch chọn cách kết thúc mỗi tập phim ngay phần hồi hộp, gay cấn nhất để đánh vào tâm lý sốt ruột của khán giả, chẳng hạn như dừng ngay cảnh Bách Kiều gặp Giang Thế Hiếu – người có gương mặt y hệt cha anh; lúc Hàn Chí Chung biểu lộ thân phận thật của mình; lúc Bách Kiều phát hiện Lập Văn làm tay trong…
- Phần nhạc hỗ trợ
Tuy rằng đây là bộ phim nói về thế giới đàn ông, nhưng phần nhạc nền được thể hiện rất tinh tế, phù hợp với từng cảnh phim. Ca khúc chủ đề Biến tấu trắng đen đã nói lên được toàn bộ nội dung bộ phim, lời ca “… đầu nối giữa ngày và đêm, biến tấu giữa từng giai đoạn, rơi vào chỗ hở của sự thiện ác, anh đi trong khoảng xám đen… ” thể hiện rõ nét lằn ranh mong manh giữa thiện và ác. Tuy điệu nhạc vẫn hùng hồn như trong phim Cảnh sát mới ra trường, nhưng lời ca có vần có điệu hơn, nghe suôn tai hơn. Qua phần trình bày của Ngô Trác Hy, Trần Kiện Phong và Tạ Thiên Hoa, bài hát vang lên trầm hùng, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống.
VUI LÒNG KÉO QUA QUẢNG CÁO ĐỂ ĐỌC TIẾP
Bất cập cũng từ chi tiết nhỏ
Nếu đem so với phần II thì Học cảnh truy kích có tính đột phá hơn, nội dung phong phú hơn. Từ đó cho thấy, kịch bản vẫn là mấu chốt quan trọng tạo nên thành công cho bộ phim. Thế nhưng nếu phân tích kỹ, phim vẫn còn một số điểm bất cập.
- Mượn danh cảnh sát kể chuyện giang hồ
Tất nhiên, thực hiện phần tiếp theo của một bộ phim được khán giả yêu thích là việc tốt. Với phương châm không ngừng đổi mới, trong những phần sau, TVB luôn cố gắng khai thác những chủ đề mới để không gây nhàm chán cho người xem. Điển hình là Học cảnh truy kích, bộ phim được triển khai theo trình tự “trường cảnh sát – đội PTU – đội EU”, đẩy câu chuyện đi theo một quá trình phát triển tăng tiến. Chỉ là series Học cảnh không giống như các series Lực lượng phản ứng, Hồ sơ trinh sát, Lực lượng phản ứng… có thể đóng bao nhiêu phần tùy thích, các vụ án nhiều vô số kể, trong khi khóa huấn luyện cảnh sát chỉ kéo dài được 27 tuần. Thật ra nếu xem xét một cách nghiêm túc, ngay từ phần II Cảnh sát mới ra trường đã đi lố đề tài, tuy nhiên do thỉnh thoảng Chung Lập Văn và Lý Bách Kiều có quay về trường học tham gia một số khóa đào tạo ngắn hạn nên mới còn sức thuyết phục. Đến phần III này, tuy vẫn lấy danh nghĩa là đề tài cảnh sát, nhưng thực chất câu chuyện chủ yếu tập trung vào băng nhóm xã đoàn, hoàn toàn không còn nhìn thấy hình bóng của “học cảnh”. Sự góp mặt của Miêu Kiều Vỹ và Châu Hải My trở thành trọng tâm tuyên truyền của bộ phim, mà nhân vật của họ cũng thuộc giới xã hội đen. Cho nên, đọng lại trong ấn tượng khán giả xem phim Học cảnh truy kích chỉ có anh Laughing, Giang Thế Hiếu, Trình Nhược Tâm chứ không phải những cảnh sát bảo vệ chính nghĩa.
- Điều bất ngờ nhưng không gây bất ngờ
Câu nói “trong tình lý, ngoài ý muốn” đã được sử dụng nhiều lần, nhưng những bộ phim truyền hình thật sự làm được điều này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Qua cách sắp xếp các tình tiết trong phim Học cảnh truy kích, không khó nhận ra dụng ý của nhà biên kịch, cứ 3 – 4 tập thì có một điểm xem bất ngờ, có điều cách thiết kế này đã quá quen thuộc với phim điện ảnh, nên khi áp dụng vào phim truyền hình, không gây được hiệu ứng như mong đợi. Ví dụ như cảnh nổ súng, đáng lẽ tình tiết căng thẳng thế này sẽ khiến khán giả có cảm giác ngộp thở, nhưng thực tế hoàn toàn không có. Lúc anh Laughing buộc phải nổ súng bắn Lập Văn, người xem đã sớm đoán được trong súng không có đạn, vì đó chỉ là cách thăm dò của Giang Thế Hiếu; còn nơi đặt nhà máy sản xuất heroin, ngay cả Giang Thế Hiếu cũng không biết, đến khi đáp án được mở ra “nơi nguy hiểm nhất cũng là nơi an toàn nhất”, khán giả không hề cảm thấy bất ngờ.
Những tình huống cao trào
Anh Laughing bị Lập Văn giết: Anh Laughing tuy bề ngoài gian ác nhưng thực chất là một cảnh sát chìm. Điều mà giám chế muốn nhấn mạnh là: Giang Thế Hiếu nghi ngờ lòng trung thành của Chung Lập Văn nên đã sai anh đi giết Laughing. Để xóa bỏ sự nghi ngờ đó, Laughing chủ động hy sinh để đổi lấy sự an toàn cho Lập Văn. Cùng lúc Bách Kiều cũng có mặt ở hiện trường, nhìn thấy người bạn thân của mình gặp nguy hiểm, Bách Kiều đã bắn thẳng vào Laughing. Sau khi biết được thân phận của Laughing, Bách Kiều nhất thời không chịu đựng nổi sự đả kích đó, tinh thần suy sụp.
- Tạ Thiên Hoa nhận xét: Với tôi, đoạn phim này cực kỳ đáng xem, chắc chắn khán giả cũng sẽ có cùng nhận xét như thế. Bấy lâu nay, tôi luôn ao ước được đảm nhận những vai đầy nam tính như anh Laughing, cuối cùng thì đã được toại nguyện. Mỗi lần ra phố nghe khán giả gọi mình là “anh Laughing”, tôi cảm thấy rất hãnh diện, nhưng suy cho cùng, cái hay nhất của bộ phim này chính là kịch bản.
Giang Thế Hiếu giết nhầm Trình Nhược Tâm: Do hiểu lầm Trình Nhược Tâm bán đứng mình, Giang Thế Hiếu đã bắn chết cô. Sau khi làm rõ mọi chuyện, anh rất đau lòng vì đã tự tay giết chết người phụ nữ mình yêu.
- Châu Hải My nhận xét: Tôi cảm thấy, đoạn hay nhất là Trình Nhược Tâm bị người yêu của mình giết hại. Ngoài ra, đoạn kết cục của Giang Thế Hiếu cũng khá bất ngờ, rất đáng xem.
Du Du giận cha: Sau khi biết được việc làm xấu xa của cha mình, Du Du – con gái của Giang Thế Hiếu, bị một cú sốc lớn, cô từ chối nhận anh làm cha. Thái độ của Du Du khiến Giang Thế Hiếu tức giận bạt tay cô trước mặt mọi người.
- Giang Nhược Lâm nhận xét: Tôi ấn tượng nhất đoạn Du Du bị cha tát vào mặt. Để cảnh quay đạt tính chân thật cao nhất, tôi bảo anh Tư (cách xưng hô thân mật với Miêu Kiều Vỹ) cứ tát thật mạnh vào, kết quả là tôi nhận một cái tát đau điếng đến nỗi khóc nấc lên, nhưng rất xứng đáng vì cảnh này đạt hiệu ứng chân thật, chỉ quay một lần là hoàn tất.
Chung Lập Văn làm tay trong: Giang Thế Hiếu sai thuộc hạ tung tin, vu khống cảnh sát tiết lộ thân phận cảnh sát ngầm của Lập Văn để anh hiểu lầm mình bị bán đứng mà thay trắng thành đen, gia nhập băng nhóm của anh. Quả nhiên Lập Văn bị trúng kế, nhưng sau đó anh đã phát hiện ra âm mưu của Giang Thế Hiếu. Cuối cùng, Lập Văn đã tỉnh ngộ, quay trở lại con đường chính nghĩa, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
- Ngô Trác Hy nhận xét: Đoạn Lập Văn vứt bỏ khẩu súng và thẻ cảnh sát ngay trước phần mộ của cha Bách Kiều rất ấn tượng, nhưng ấn tượng và cảm động nhất chính là lúc anh Laughing nói ra thân phận của mình, chấp nhận hy sinh bản thân để bảo vệ cho sự an toàn của Lập Văn.
MỸ NGHI
(Ảnh: TVB)
Kết nối với chúng tôi